+ Loài sán lá gan nhỏ O.viverrini có buồng trứng phân thùy và kích thước hấp khẩu bụng lớn hơn kích thước hấp khẩu miệng.
+ Loài sán lá gan nhỏ O.felineus thì buồng trứng không phân thùy và kích thước hấp khẩu bụng nhỏ hơn kích thước hấp khẩu miệng.
- Đối với Việt Nam từ năm 1908 Mouzel, 1909 Mathis và Leger đã tìm thấy C.sinensis. Năm 1924 Railiet phát hiện được O.felineus ở Hà Nội. Năm 1965 Đặng Văn Ngữ và Đỗ Dương Thái bắt gặp một trường hợp O.felineus phối hợp với C.sinensis.
- Từ năm 1965 đến nay nhiều công trình nghiên cứu về dịch tễ học, lâm sàng và điều trị của các tác giả Đỗ Dương Thái, Kiều Tùng Lâm, Vũ Văn Phong, Lê Bách Quang, Phạm Song, Phạm Văn Thân, Nguyễn Văn Đề…về loài sán lá gan nhỏ C.sinensis ở miền Bắc việt Nam đã được báo cáo.
- Đối với khu vực miền Trung -Tây nguyên Việt Nam chưa có tác giả nào nghiên cứu và đề cập đến bệnh sán lá gan nhỏ. Năm 1990 khi tiến hành điều tra cơ bản về tình hình nhiễm giun sán của tỉnh Phú Yên, chúng tôi đã điều tra tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; kết quả đã phát hiện thấy trứng sán lá gan nhỏ trong phân của người dân địa phương với tỷ lệ 62/460 mẫu phân xét nghiệm. Đây là mốc quan trọng để chúng tôi đặt dấu hỏi về sự có mặt của loài sán lá gan nhỏ ở khu vực miền Trung là loài gì ?Nguyên nhân gây bệnh ở đây như thế nào? Những câu hỏi được đặt ra được xây dựng thành những nghiên cứu tiếp sau này vào năm 1992 trở đi.
- Từ năm 1992 – 1998 chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc điều tra xét nghiệm về tỷ lệ nhiễm bệnh và xác định vật chủ trung gian truyền bệnh sán lá gan tại xã An Mỹ huyện Tuy An tỉnh phú Yên. Điều tra năm 1992 cho kết quả nhiễm sán lá gan nhỏ tại xã An Mỹ là 36,97% ( 247/668). Được sự cộng tác của một số cán bộ nghiên cứu Viện sốt rét KST- CT Trung ương, chúng tôi đã điều tra, định loại và mổ 3316 ốc các loại; kết quả đã tìm thấy loài ốc mút Melania tuberculata nhiễm ấu trùng sán lá gan nhỏ với tỷ lệ nhiễm 2,60% (28/1074).
- Tại điểm nghiên cứu An Mỹ, chúng tôi đã xác định nguyên nhân gây bệnh sán lá gan nhỏ là do người dân có tập quán ăn gỏi cá giếc sống. Người dân có thói quen này từ lâu đời nay và chỉ ăn gỏi cá giếc chứ không gỏi cá khác, thường ăn vào các tháng 1,2 âm lịch hàng năm. Kết quả điều tra tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán trên cá bằng các phương pháp tiêu cơ và mổ cá soi tươi ở 1721 cá thể thuộc 10 loài cá, trong đó có 527 cá giếc và chỉ phát hiện được ấu trùng trong cá giếc với tỷ lệ nhiễm 28,65%.
- Để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh sán lá gan nhỏ do cá giếc, chúng tôi đã dùng ấu trùng sán lá gan nhỏ thu hồi ở cá giếc sống (Metacercaria) đem gây nhiễm cho mèo non tại labo của Viện sốt rét KST - CT Quy Nhơn. Qua 4 tháng gây nhiễm cho 3 con mèo non và có 2 mèo non đối chứng, khi mổ gan mèo gây nhiễm đã thu hồi 314 con sán lá gan nhỏ từ non đến già. Riêng 2 mèo đối chứng chỉ cho ăn cơm và cá chín, khi mổ không tìm thấy sán trong gan mèo.