Phần lớn các loài thực vật gắn liền với nhiều loại nấm tại hệ rễ của chúng, trong dạng cộng sinh phụ thuộc, được biết đến như là nấm rễ (mycorrhiza). Nấm giúp cho cây thu được nước và các chất dinh dưỡng từ đất, trong khi cây cung cấp cho nấm các loại cacbohyđrat được sản xuất nhờ quang hợp. Một số thực vật còn là nơi ở cho các loại nấm sống trên cây, chúng bảo vệ cây khỏi các loài ăn cỏ bằng cách tiết ra các chất có độc tính. Một loại nấm như vậy là Neotyphodium coenophialum, có trên những cây cỏ đuôi trâu cao (Festuca arundinacea) đã gây ra nhiều tổn thất kinh tế cho ngành chăn nuôi bò của Hoa Kỳ.
Các dạng khác nhau của sự sống ký sinh cũng khá phổ biến giữa các loài thực vật, từ dạng bán ký sinh như cây tầm gửi (một phần bộ Santalales) chỉ đơn thuần lấy đi một số chất dinh dưỡng từ cây chủ và vẫn có các lá có khả năng quang hợp, tới các loài ký sinh hoàn toàn như các loài cỏ chổi (chi Orobanche) hay các loài cỏ thuộc chi Lathrea lấy tất cả các loại chất dinh dưỡng chúng cần thông qua sự kết nối vào rễ các loài thực vật khác, và không có diệp lục. Một số loài thực vật, được biết đến như là dị dưỡng nấm, chúng ký sinh các loài nấm rễ, và vì thế có cơ chế hoạt động ký sinh ngoài trên các loài thực vật khác.
Nhiều loài thực vật là biểu sinh, nghĩa là chúng sống trên các loài thực vật khác, thường là trên các cây thân gỗ, mà không ký sinh các cây này. Thực vật biểu sinh có thể gián tiếp gây hại cho cây chủ bằng cách ngăn chặn nguồn chất khoáng và ánh sáng mà nếu không có chúng thì cây chủ đã nhận được. Một lượng lớn thực vật biểu sinh có thể làm gãy các cành cây to. Nhiều loài lan, dứa, dương xỉ và rêu thường có kiểu sống này.
Một số ít loài thực vật lại là cây ăn thịt, chẳng hạn như bẫy ruồi Venus (Dionaea muscipula) và các loài gọng vó. Chúng bẫy các loài động vật nhỏ và phân hủy con mồi để hấp thụ các khoáng chất, đặc biệt là nitơ.