Thông thường, người ta nghĩ chỉ động vật mới ăn thịt, chứ có ai ngờ thực vật cũng biết ăn thịt ? Nhưng chuyện này lại có thật 100%. Khi sống trong môi trường thiếu chất dinh dưỡng (như ở đất chua bạc màu, đầm lầy nước ngọt...), một số loài cây có lá biến đổi thành bộ phận có khả năng bắt mồi và tiêu hoá thức ăn động vật. Đó là những cây:
- Cây nắp ấm với những chiếc lá rất đặc biệt gồm 3 phần: phần dưới hình bản hẹp, màu lục có chức năng quang hợp, phần giữa là một sợi do gân lá kéo dài rồi tiếp đến là phần cuối phình to thành một cái túi (hay cái bình) có nắp đậy(H.). Bên trong thành bình có rất nhiều lông tuyến tiết chất dịch khiến thành bình rất trơn, chất dịch này có khả năng tiêu hoá thức ăn; mép bình lại tiết dịch thơm nên thu hút sâu bọ rất tốt. Khi sâu bọ bị rơi vào trong bình, chúng khó có thể bò ra ngoài (do thành bình rất trơn), bị rơi xuống đáy, ngập trong chất dịch và bị tiêu hoá. Có người cho rằng : cho dù con vật có cố giẫy giụa, vùng vẫy đến mấy nó cũng không thể thoát ra khỏi chiếc bình quái ác, vì khi bị kích thích nắp bình sẽ đóng sập lại, nhốt chặt con vật trong đó.
Ta có thể gặp cây nắp ấm mọc ở vùng đầm lầy (Quảng Bình, Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế...). Do lá có hình dáng và cấu trúc rất đặc biệt nên gần đây ở Trung Quốc người ta đã khai thác tạo giống cây nắp ấm thành một loài cây cảnh độc đáo và đã được xuất sang thị trường cây cảnh nước ta trong dịp Tết.
- Cây bắt mồi, là một loài cây ăn thịt khác, tuy kích thước nhỏ bé nhưng không kém phần nguy hiểm đối với những con vật nhỏ. Đó là cây bắt ruồi (hay còn gọi là cây bèo đất). Cả cây chỉ cao độ vài xentimet với các lá mọc ở sát gốc thành hình hoa thị; trên mặt lá có những lông tuyến rất nhạy cảm có thể cụp lại khi ruồi, kiến... đậu vào. Con vật bị trói chặt và bị tiêu hoá hết phần mềm do chất dịch ở lông tuyến tiết ra có tác dụng như men tiêu hoá ở dạ dày động vật. Sau đó các lông tuyến duỗi ra và trên mặt lá chỉ còn lại chiếc vỏ kitin của xác con vật xấu số (H.)
Ở vùng đầm lầy Bắc Mỹ có loài cây bắt mồi tương tự : Phần đầu lá của nó gồm 2 nửa gắn với nhau bằng một gân khoẻ, mép lá có nhiều răng nhọn; trên mặt mỗi nửa lá có 3 lông cảm giác, đàn hồi được, ngoài ra còn nhiều tuyến tiêu hoá ở trên khắp mặt lá. Khi một con ruồi hay con ong đậu trên lá thế nào cũng chạm phải một trong 3 chiếc lông cảm giác khiến cho 2 nửa lá lập tức úp sập lại, các răng ở mép lá khít chặt vào nhau, nhốt cứng con vật trong đó. Con vật càng giãy giụa thì càng kích thích các nửa lá khép chặt lại hơn.
- Cây Rong li là một loài cây nhỏ sống trôi nổi trong các ao hồ, ruộng nước... có khả năng bẫy các động vật nhỏ trong nước (bọ gậy. giáp xác nhỏ, cá con...). Cây có 2 loại lá : lá sinh dưỡng xẻ thuỳ nhỏ hình sợi, màu lục; còn một số lá khác lại biến dạng thành túi nhỏ bắt mồi, thường có màu nâu hay đỏ nâu. Phía trong miệng túi có nhiều lông cứng mọc ngược, miệng túi có nắp van có thể đóng lại, và chỉ mở vào phía trong túi. Cấu tạo đó khiến cho túi giống như một cái giỏ bắt cua. Các con vật nhỏ theo dòng nước cui vào túi nhưng không thể ra được vì các lông mọc ngược và nắp ở miệng túi đã giữ chúng lại. Khi đó trong túi tiết ra một chất dịch có men tiêu hoá và “ăn thịt” chúng.