2. Cây “bóp cổ” Cây không có tay nhưng vẫn có thể bóp được cổ, không phải cổ người, mà là bóp thân cây khác. Đây là hiện tượng có thật xảy ra trong giới Thực vật. người ta dùng từ “bóp cổ” để chỉ mối quan hệ lấn lướt nhau giữa 2 cây sống gần gũi ở trong rừng, mà thủ phạm là một số loài đa. Chim chóc khi ăn quả của những cây này vô tình nhả hạt vào hốc những cây to khác trong rừng. Nhờ chất mùn và độ ẩm ở hốc, hạt nảy mầm và mọc thành cây, lớn dần lên, đâm những rễ phụ hướng xuống phía dưới. Các rễ phụ này phát triển mạnh và dài mãi ra, khi chạm đất chúng cắm chắc vào đó, tạo thành một tấm lưới dầy đặc và chắc khoẻ, bao bọc xung quanh thân cây chủ. Chúng cứ xiết chặt, xiết chặt dần khiến cuối cùng cây chủ bị chết vì các mạch dẫn bên trong bị tắc nghẽn, không thể dẫn truyền được nước và muối khoáng lên cho bộ lá để quang hợp. Hiện tượng này chẳng khác nào một người bị kẻ cướp đột nhập vào nhà bóp cổ cho đến nghen thở và chết để cướp lấy chỗ ở ! Các nhà khoa học gọi đó là hiện tượng “thắt nghẹn” hay “ bóp cổ”, một hiện tượng khá phổ biến ở trong rừng nhiệt đới, ví dụ như rừng Cúc Phương ở nước ta; và loài cây gây hiện tượng này thường là các loài đa, được gọi là cây “đa bóp cổ”.
Không chỉ trong rừng, mà ở ngay trên một số đường phố Hà Nội, các bạn có thể gặp một số cây đa bóp cổ, như ở bên Bờ Hồ phía đường Đinh Tiên Hoàng, hay trước đền Bà Kiệu.
3. Cây “ sinh con”.
Trong thế giới sinh vật, hiện tượng sinh con chỉ gặp ở các loài động vật có vú và con người. Nhưng ở thực vật cũng có thể gặp hiện tượng này. Lạ chưa ?
Hiện tượng sinh con của thực vật (viviparous) chỉ gặp ở một vài loài cây sống trong môi trường đặc biệt. Đó là các cây Đước, Vẹt, Trang... sống ở các khu rừng lầy mặn vùng ven biển (Mangrove). Hạt của những cây này khi chín thường nảy mầm ngay trên cây mẹ thành một bộ phận gọi là “trụ mầm” nối liền với quả. Trụ mầm có cấu tạo của một cây con, gồm thân và chồi lá, chưa có rễ. Trụ mầm nhận các chất dinh dưỡng từ cây mẹ chuyển qua quả vào. Thời gian sống của trụ mầm trên cây mẹ thường khoảng 2-3 tháng. Khi trụ mầm chín sẽ rời khỏi cây mẹ, cắm xuống bùn, ra rễ và bắt đầu cuộc sống độc lập.
Có thể nói hiện tượng “sinh con” là một hình thức thích nghi độc đáo của một số cây sống ở vùng ngập mặn, nhờ đó cây có thể mọc được trong điều kiện thuỷ triều lên xuống hàng ngày, tránh cho hạt khỏi bị nước triều cuốn trôi đi.
Không chỉ có hiện tượng sinh con, các loài cây ngập mặn nói trên còn có bộ rễ khá độc đáo, cũng giúp cây thích nghi được trong điều kiện môi trường lầy ngập không ổn định và thiếu ô-xy. Ngoài những rễ cắm trong đất, chúng còn phát triển hệ rễ khí sinh nổi trên mặt đất, vừa có tác dụng tăng cường sức chống đỡ cho cây, vừa có tác dụng hô hấp (đó là những rễ hô hấp) : Cây Đước với các rễ chống mọc từ thân, cành đâm xuống đất, trông chẳng khác nào như những chiếc gọng nơm; cây Vẹt với những chiếc rễ gập cong hình đầu gối mọc trồi lên khỏi mặt đất ở chung quanh gốc cây (người ta gọi đó là những rễ khuỷu hay rễ đầu gối; còn cây mắm, cây bần lại có những rễ hô hấp dài thẳng, nhọn đầu, trông như những mũi chông mọc tua tủa trên mặt đất.
4. Cây có hột lộn ra ngoài quả ?
Đó là cây Đào lộn hột (ở miền Nam gọi là cây Điều). Gọi như vậy bởi vì cây này có quả với hình dáng khá độc đáo: quả gồm 2 phần, phần ở bên dưới hơi giống quả đào, nạc và mọng nước, đính ở trên đó là một cái “hột” hình hạt đậu (hay hình thận) có vỏ cứng, màu sẫm. Nhìn cả 2 phần chẳng khác nào một quả đào có hạt nằm lộn ra bên ngoài (chứ không nằm ở bên trong như các loại quả thông thường khác). Vì thế mới có cái tên gọi như trên. Nhưng thật ra chiếc “ hột “ này mới chính là quả thật sự, còn cái “quả” hình quả đào mọng nước kia là do đế hoa phát triển thành. Đem hạt (quả) rang cho vỏ cứng nứt ra, phần bên trong ăn bùi và béo ngậy (hột điều); còn “quả” (phần đế hoa) cũng ăn được, nhưng trước kia người ta ít khai thác, thường bỏ thối rất lãng phí. Gần đây một số nơi đã chú ý sử dụng để chế biến rượu vang, vì trong đó có chứa đường và vitamin B1, B2.
5. Cây chỉ có một lá.
Thông thường, cây phải có nhiều lá, họp thành tán lá và tạo dáng vẻ cho cây. Nhưng có loài cây chỉ có mỗi một lá duy nhất, khiến cây có tên gọi như vậy : cây một lá. Nó còn có tên khác là Thanh thiên quỳ hay Lan cờ.
Đó là một loài lan địa sinh sống lâu năm, cùng họ với những loài lan cảnh có hoa đẹp khác. Cây chỉ cao độ 10-20cm, có rễ củ gần hình tròn với nhiều ngấn ngang. Một lá mọc thẳng từ củ lên, hình tim, gấp nếp; một cuống dài mang 4-5 hoa nhỏ màu trắng đốm tím hồng cũng mọc từ củ lên, khi lá đã tàn lụi.
Cây Một lá thường mọc trong các hốc đá hoặc trên lớp đất có nhiều thảm mục dưới tán rừng ẩm hoặc rừng trên núi đá vôi các tỉnh phía Bắc và ở Kon Tum, Lâm Đồng. Củ của cây được dùng làm thuốc giải độc (nhất là ngộ độc nấm), làm mát phổi, chữa ho lâu ngày, ho lao, viêm phế quản, nhai củ tươi có thể làm giảm khát nước, bồi dưỡng cơ thể. Do có giá trị lớn nên cây bị khai thác nhiều để bán qua biên giới, nhất là trong những năm gần đây, khiến cho loài cây này trở nên quý hiếm và có nguy cơ bị đe doạ tuyệt chủng. Nó được ghi vào danh sách các loài cây cần được bảo vệ trong “Sách Đỏ Việt Nam”.
6. Cây có quả nằm trong đất.
Ta vẫn thường thấy qủa mọc trên cây. Thế nhưng có một loài cây hết sức quen thuộc với chúng ta lại có quả không mọc như thế. Đó là cây Lạc. Đến mùa thu hoạch Lạc, để có hạt ăn, người ta phải đi “dỡ Lạc”, nghĩa là nhổ cả cây lên, rũ sạch đất, mới thấy quả (hay củ Lạc). Ở cây Lạc, một số hoa mọc phía trên thường không cho quả, chỉ những hoa mọc phía dưới, mọc chúc xuống đất mới cho quả. Sau khi thụ tinh, từ bầu nhuỵ của hoa mọc dài ra thành một cuống cắm sâu xuống đất khiến bầu nhuỵ nằm trong đất và phát triển ở trong dó thành quả, bên trong chứa 1-3 hạt.
Nhân dân ta thường quen gọi những phần của cây không giống rễ mà nằm ở dưới đất là “củ”: củ Khoai, củ Sắn, củ Dong, củ Cà rốt... và cả củ Lạc, bất kể nó là phần nào của cây biến đổi thành. Tuy nhiên, nếu theo phân tích ở trên thì với trường hợp cây lạc, phải gọi là “quả Lạc” mới đúng, vì bên trong đó còn có hạt. Nhưng đã thành thói quen từ rất lâu rồi, biết làm sao!