I. Đặc điểm hình thái và ý nghĩa1. Đặc điểm hình tháiSo với các loài động vật khác, tế bào hồng cầu người có kích thước khá nhỏ, có dạng hình đĩa lõm hai mặt. Tuy được gọi là tế bào nhưng hồng cầu lại không có nhân, ti thể, ribôxôm nên không có khả năng phân chia tạo hồng cầu mới. Tế bào hồng cầu có lớp màng khá dẻo dai, làm tế bào dễ luồn lách trong các mao mạch chật hẹp và có thể tồn tại trong điều kiện thẩm áp máu giảm nhẹ mà không bị vỡ (tiểu huyết)
2. Ý nghĩaKích thước nhỏ của hồng cầu làm tỉ lệ S/V (tỉ lệ giữa diện tích bề mặt và thế tích) của tế bào lớn, nghĩa là tổng diện tích bề mặt lớn, làm tăng khả năng trao đổi khí. Hơn nữa, dạng hình lõm của hồng cầu cũng làm tăng đáng kể diện tích bề mặt, tế bào có thể kết hợp với nhiều hêmôglôbin hơn. Mặt khác, dạng hình lõm hai mặt giúp màng tế bào nằm sát hơn với các phân tử hêmôglôbin, tăng hiệu quả trao đổi khí.
Sự tiêu giảm nhân của hồng cầu giúp tế bào có thêm không gian để chứa các phân tử hêmôglôbin, đồng thời cũng làm giảm đến mức tối thiểu nhu cầu tiêu dùng oxi của tế bào
Ghi chú: Trong quá trình phát triển của hồng cầu, nhân bị biến mất khi nồng độ hemoglobin >34%. Các loài động vật như cá, lưỡng cư, bò sát, chim hồng cầu vẫn có nhân
II. Kích thước, số lượng và thành phần1. Kích thướcHồng cầu trưởng thành dày khoảng 2.3 micromet ở phần rìa và khoảng 1.5 – 2.0 micromet ở phần lõm. Đường kính trung bình từ 7-8 micromet. Thể tích đạt khoảng 77 ± 5 micromet khối.
2 Số lượngSố lượng hồng cầu trung bình ở người Việt Nam (theo SGK Sinh học
:
- Nam giới: 4.4 – 4.6 triệu/ml máu
- Nữ giới: 4.1 – 4.3 triệu/ml máu
Số lượng hồng cầu của người ở tuổi dậy thì sẽ nhiều hơn ở trẻ sơ sinh. Đặc biệt những người sống ở độ cao trên 700m so với mặt nước biển cũng có nhiều hồng cầu hơn người bình thường
3. Thành phầnMàng tế bào hồng cầu gồm lớp kép lipit và prôtêin, tế bào chất chứa chủ yếu là hêmôglôbin. Thành phần chung của hồng cầu gồm: Nước từ 63-67%; Chất khô từ 33-37%, trong đó:
- Protein (Hemoglobin) 28%.
- Các chất có nitơ 0,2%.
- Ure 0,02%
- Glucid 0,075%
- Lipid các loại (lecithin, cholesteron) 0,3%
III. Đời sống của hồng cầu1. Quá trình tạo hồng cầu- Ở bào thai, tế bào hồng cầu có nhân được sinh ra ở túi noãn hoàn. Ba tháng giữa thai kì, hồng cầu được sinh ra ở gan là chủ yếu. Những tháng cuối thai kì, hồng cầu được sinh ra từ tủy xương
- Ở trẻ sơ sinh, hầu hết các xương đều tham gia vào việc sản xuất hồng cầu
- Ở người trưởng thành, hồng cầu được tạo ra trong tủy các xương dẹt (như xương đốt sống, xương ức, xương sườn, xương vai, xương chậu)
- Ở người già, chức năng sinh hồng cầu càng giảm
Chi tiết tạo hồng cầu được trình bày trong hình bên dưới
2. Sự trường thành của hồng cầuHồng cầu người sống được khoảng 100-120 ngày. Mỗi ngày có khoảng 150-200 tỉ hồng cầu già bị tiêu hủy và cũng ngần ấy hồng cầu được thay mới. Trong quá trình trưởng thành của hồng cầu, vitamin B12 và axit folic có vai trò rất quan trọng. Thiếu hai thành phần này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nhân và sự phân chia tế bào. Do đó các tế bào hồng cầu được tạo ra sẽ có dạng hình tròn, thay vì lõm 2 mặt, màng tế bào mỏng nên rất dễ vỡ. Tuổi thọ của loại tế bào này chỉ bằng 1/3 – 1/2 so với tế bào bình thường
3. Sự hủy hồng cầuHồng cầu già rất giòn và dễ vỡ khi đi qua tổ chức chật chội của hệ tuần hoàn. Lá lách chính là nơi giữ và phân hủy các hồng cầu già để thu hồi sắt, dùng làm nguyên liệu để tạo hồng cầu mới.
Khi hồng cầu vỡ ra và phóng thích hemoglobin chứa bên trong, hemoglobin gần như lập tức được hấp thụ bởi các đại thực bào tại khắp nơi trong cơ thể, nhưng chủ yếu là bởi các tế bào Kupffer ở gan và các đại thực bào ở lách và tủy xương.
Vài giờ đến vài ngày sau, các đại thực bào sẽ “nhả” sắt lấy từ hemoglobin trở lại máu. Sắt được chuyên chở (như miêu tả trong bài chuyển hóa sắt) đến tủy xương để tạo hồng cầu mới hoặc đến gan và các mô khác để dự trữ.
Thành phần porphyrin của hemoglobin sau khi trải qua một loạt các biến đổi, trở thành sắt tố mật (tức bilirubin), chất này theo tĩnh mạch lách đổ vào tĩnh mạch cửa vào gan, được gan sử dụng để tổng hợp mật phục vụ tiêu hóa.
(theo Wikipedia)
IV. Chứng thiếu máu.Thiếu máu không phải là thiếu số lượng máu mà do thiếu số lượng hồng cầu trên một đơn vị thể tích máu, làm khả năng trao đổi khí của máu kém đi. Thiếu máu không phải là một bệnh nhưng thường đi kèm với suy dinh dưỡng. Thiếu máu xảy ra khi số lượng hồng cầu tiêu chuẩn giảm đi 10%, và khi giảm chỉ còn 1 triệu hồng cầu/1mm
3là chứng thiếu máu trầm trọng.