“Những năm trước để điều trị sán lá gan lớn, bệnh nhân các tỉnh miền Trung và Tây nguyên phải về Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh. Bây giờ sau khi viện mở các lớp tập huấn, thuốc đặc trị đã được tung ra thị trường, giá cả hợp lý, bệnh nhân có thể điều trị tại địa phương” - thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang, trưởng khoa nghiên cứu Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, nói.
“Hiện tại, thuốc đặc trị bệnh sán lá gan lớn là Triclabendazone đã được đưa vào danh mục thuốc thiết yếu và mỗi liều điều trị chỉ hai viên, giá trên thị trường chỉ 28.000 đồng/viên. Như vậy với số tiền thuốc 56.000 đồng cho liều điều trị duy nhất cũng không phải quá khó khăn đối với bệnh nhân nghèo” - bác sĩ Lê Quang Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, nói.
Bình Định: người bệnh nhiều nhất nước
Bác sĩ Lê Quang Hùng cho biết năm ngoái cả nước có 4.300 ca nhiễm sán lá gan lớn ở 47 tỉnh thành. Trong đó, Bình Định có tỉ lệ bệnh nhân cao nhất nước với 800 ca, nhưng hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu hoàn chỉnh để giải thích rõ ràng hiện tượng này.
Năm ngoái, dù Viện SR-KST-CT trung ương đã chuyển giao cho Viện SR-KST-CT Quy Nhơn 6.500 viên Triclabendazone (Egaten 250mg) từ nguồn thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhưng do số bệnh nhân tăng nên số thuốc trên không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế ở miền Trung - Tây nguyên.