Sau khi Bộ Y tế cho phép, Viện SR-KST-CT đã xúc tiến các thủ tục đấu thầu mua thuốc. “Bắt đầu từ 15-9-2009 chúng ta đã chủ động được nguồn thuốc đặc hiệu trong điều trị bệnh sán lá gan lớn” - tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, viện trưởng Viện SR-KST-CT Quy Nhơn, nói.
Tìm cách phòng chống lâu dài
Theo tiến sĩ Triệu Nguyên Trung, dù đã có thuốc điều trị nhưng bảy tỉnh miền Trung (từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa) và Tây nguyên đang đối mặt với tình trạng bùng phát bệnh sán lá gan lớn. Năm 2009, bệnh sán lá gan lớn tại khu vực này gia tăng với 3.905 ca nhiễm (năm trước có hơn 1.800 ca).
Nếu tính cả những ca phát hiện nhưng chưa được điều trị (thời điểm không có thuốc) thì số ca nhiễm sán lá gan lớn năm ngoái ước tính 6.000 ca. Để giải quyết vấn đề này không chỉ đơn thuần điều trị cho người bệnh, mà đòi hỏi có giải pháp tổng thể là nghiên cứu dịch tễ học bệnh sán lá gan lớn và xây dựng mô hình phòng chống lâu dài, bền vững.
Cũng theo tiến sĩ Trung, đến nay việc nghiên cứu dịch tễ học của sán lá gan lớn liên quan giữa động vật và người chưa được đề cập. Việc xác định nguyên nhân nhiễm bệnh, thành phần loài, phân bố trên phạm vi cả nước chưa được hoàn chỉnh, đặc biệt các minh chứng về nguồn nhiễm, mùa nhiễm bệnh, các yếu tố tự nhiên và xã hội ảnh hưởng đến bệnh chưa được nghiên cứu. Vấn đề chẩn đoán, đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và giải phẫu bệnh lý cũng như mô hình truyền thông phòng chống bệnh còn đang bỏ ngỏ.
Thạc sĩ Huỳnh Hồng Quang cho rằng nhiều vấn đề khó khăn còn tồn tại, đặc biệt là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thú y và y tế. Trong khi đó, sán lá gan ký sinh ở trâu bò và lây nhiễm sang người qua đường tiêu hóa. Sán lá gan có trong đường ruột của trâu bò, theo chất thải ra ngoài môi trường. Vì thế, ở đâu có phân trâu bò là ở đó có sán lá gan. Sán có thể bám trên rau cỏ, ở trong nguồn nước mương, ao, kênh rạch. Nhiều người nhiễm bệnh do ăn rau sống hay do uống nước sông, suối, ao hồ.